Cứ mỗi lần nghĩ về Thầy - nhà giáo Phan Hải Thịnh thì những vần thơ ấy lại vang vọng trong suy nghĩ của tôi. Thầy là nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Xã Lát và hiện tại thầy đã chuyển đến công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Lâm Đồng, thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Sau khi tốt nghiệp, tôi một giáo viên trẻ mới chập chững bước vào nghề, còn thiếu sót về mặt kinh nghiệm. Khi ấy tôi được phân công công tác tại ngôi trường THCS Xã Lát thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, một vùng đất mà tôi chưa từng đặt chân đến nên lúc đó ngôi trường Xã Lát đối với tôi nghe thật bỡ ngỡ. Tuy nhiên, mọi lo lắng đã dần tan biến khi tôi gặp được thầy giáo Phan Hải Thịnh. Và trước khi được tiếp xúc với thầy, đâu đó tôi đã nghe nhiều người nhắc đến tên thầy với một tình cảm đặc biệt mà gần gũi từ những giáo viên của trường THCS Xã Lát kể lại.
Qua lời kể của các thầy cô trong trường ngày ấy, tôi được biết thầy Hải Thịnh mới chuyển về công tác tại trường được 2 năm, nhà khá xa trường nên hằng ngày thầy vẫn luân phiên di chuyển từ nhà đến trường với quãng đường gần 40 k/m. Tuy nhiên, khó khăn ấy không những không ngăn trở mà còn là động lực để thầy trau dồi chuyên môn cũng như năng lực quản lí của mình. Và một điều đáng ghi nhận ở thầy là ý chí luôn biết khắc phục hoàn cảnh khó khăn của bản thân, nên dù ở vai trò, nhiệm vụ nào thầy cũng luôn hoàn thành bằng cả cái tâm và lòng nhiệt huyết.
Trong công tác thầy luôn bám sát vào kế hoạch và nhiệm vụ năm học của ngành cũng như của trường và ứng dụng những thành quả từ những năm học trước để xây dựng cho bản thân một kế hoạch hoạt động cụ thể. Tham mưu cùng Ban giám hiệu nhà trường, các bộ phận chức năng, các ban ngành, đoàn thể cũng như đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp học để làm nên sự thành công của phong trào giáo dục của nhà trường.
Nói về sự nghiệp giảng dạy, để có hiệu quả cao, thầy phân loại học sinh để có phương pháp truyền đạt kiến thức phù hợp. Hàng năm, lớp của thầy có nhiều học sinh chăm ngoan, học giỏi. Đặc biệt với những học sinh giỏi, thầy luôn có phương pháp để bồi dưỡng, giúp các em phát huy hết khả năng của mình. Là người giáo viên thầy luôn ý thức rằng trách nhiệm của người thầy là sự tận tâm trong dạy học là điều kiện để học sinh có thể phát huy hết khả năng, năng lực của mình. Ngoài năng lực chuyên môn, thầy luôn gần gũi với học trò, hiểu tâm lý, hành động phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi học giỏi vượt qua mọi khó khăn.
Là một giáo viên năng nổ, nhiệt tình, khiêm nhường, mẫu mực, có trách nhiệm, luôn hết lòng vì học sinh, được mọi người nể phục, thầy Hải Thịnh luôn ý thức rằng để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thì người giáo viên cần phải có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc và yêu thương học sinh như con em ruột của mình. Trong quá trình dạy học, thầy không chỉ dạy trên lớp mà tận dụng mọi thời điểm, truyền đạt kiến thức; truyền sự nhiệt tình, say sưa cho học sinh, bồi dưỡng cho các em phương pháp và ý chí quyết tâm trong học tập. Thầy luôn xứng đáng là tấm gương sáng về người giáo viên trong môi trường sư phạm, sống và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Còn trong vai trò quản lí, khi trực ở trường, mọi người không thấy thầy đi trễ về sớm. Bản thân giáo viên trong trường có muốn “cắt , xén” chút ít thời gian ra ngoài cũng phải hết sức dè chừng. Thầy luôn thực hiện đúng mọi chủ trương đường lối của Đảng, luôn làm tốt công tác phát triển Đảng trong quần chúng, đi đầu, gương mẫu và tích cực vận động quần chúng tham gia phong trào thi đua của ngành , của trường được tập thể tín nghiệm, luôn có ý thức tập hợp, xây dựng mối đoàn kết nhất trí trong nhà trường và xây dựng tập thể lớn mạnh, thống nhất từ các khối lớp đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường. Nhiệt tình tham gia các phong trào do nhà trường và đoàn thể tổ chức Đoàn kết, nhất trí trong tập thể Ban giám hiệu để lãnh đạo tập thể hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Vì đặc thù của trường nên học sinh ở đây chủ yếu là các em người đồng bào dân tộc thiểu số, nhà xa trường một số em không có phương tiện đi lại, nên tình trạng học sinh nghỉ học tương đối nhiều, đó là điều khiến thầy suy tư trăn trở rất nhiều. Tuy nhiên, với ý chí và trách nhiệm của một người nhà giáo đã thôi thúc thầy phải tìm bằng được phương án giải quyết, đó là sự tâm huyết với nghề và cũng là tình yêu thương vô bờ mà thầy dành cho học sinh của mình. Ngoài tình cảm chân thành của thầy dành cho học sinh thì tình cảm mà thầy dành cho đồng nghiệp, một sự lắng nghe chia sẻ và cảm thông sâu sắc của thầy cũng vô cùng đáng quý. Dù trong cuộc họp hay giao tiếp với mọi người hằng ngày, người ta ít thấy thầy dùng những từ mỹ miều hoặc đao to búa lớn… Có khi gặp những việc căng thẳng thầy vẫn giữ được thái độ và lời lẽ rất mực bình tĩnh, tự tin. Tuy đảm nhiệm vị trí lãnh đạo nhà trường và đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ nặng nề khác nhưng thầy luôn giành thời gian động viên, qua tâm, hỏi han đến từng cán bộ giáo viên, nhân viên trong trường. Đôi lúc chỉ là sự thay đổi nhỏ của các giáo viên thầy cũng nhận ra nhanh chóng để có những tác động kịp thời, giúp đỡ, động viên mọi người. Hình ảnh một người hiệu trưởng luôn vui vẻ, nhẹ nhàng, tâm lý luôn để lại ấn tượng trong lòng cán bộ giáo viên nhân viên trong trường. Tất cả cá nhân đều được thầy tôn trọng như nhau đặc biệt thầy luôn dành sự quan tâm hết sức cho những giáo viên trẻ như tôi .“Luôn luôn lắng nghe và luôn luôn thấu hiểu” vì vậy mọi vấn đề đều được thầy giải quyết thấu tình đạt lý tạo được niềm tin vững chắc trong lòng mọi người điều đó cũng rất phù hợp với “Tình yêu thương con người, sống có nghĩa có tình”- một trong những tư tưởng của Bác về đạo đức của con người Việt Nam. Đó không đơn giản là quan hệ lãnh đạo với cấp dưới mà là tình bạn, tình đồng chí cao cả.
Đặc biệt, trong nhà trường, thầy phát động việc học tập và làm theo lời Bác về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và sửa đổi lề lối làm việc, không chạy theo bệnh thành tích, học thật, đánh giá học sinh công bằng, khách quan. Phát động phong trào học tập, nâng cao trình độ, khơi dậy ý thức tự học, tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau trong tập thể giáo viên, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Chính sự nhiệt tình, sẵn sàng lắng nghe và sẻ chia kinh nghiệm, thầy được đồng nghiệp yêu thương, học sinh quý mến.
Ai đó đã từng nói: “Một thầy giáo như ngọn nến đốt chính mình để soi rọi cho người khác.” Không hiểu sao mỗi lúc ngẫm nghĩ về câu nói ấy, trong lòng tôi và các đồng nghiệp trong trường lại nghĩ đến người hiệu trưởng thân thương của mình. Đối với chúng tôi thầy Hải Thịnh không chỉ là một người từng là lãnh đạo, người thầy, đàn anh, người bạn mà còn là một tấm gương để bản thân học tập, rèn luyện, để cống hiến nhiều hơn cho mái trường THCS Xã Lát thân thương này!
Trường THCS Xã Lát.